Lễ hội truyền thống tiêu biểu trên địa bàn xã
Theo cuốn Thần phả còn lưu lại, Đền Vĩnh Lại thờ hai ông Bạch Đẳng và Cao Lôi đã có công giúp Hai Bà Trưng đánh quân xâm lược Nam Hán. Tương truyền hồi đó ở huyện Phong Châu có ông Bạch Bằng và bà Hoàng Thị Đảng ăn hiền ở lành. Vào ngày 10 tháng 2 năm Giáp Ngọ bà hạ sinh một con trai đặt tên là Bạch Đẳng. Năm Bạch Đẳng 16 tuổi, cha mẹ đều mất, ông theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa, được Trưng Trắc nhận làm con nuôi nên ông còn được Nhân dân gọi là Đức Bạch Đẳng nhà nuôi. Cao Lôi vốn là con ông Cao Điện và bà Hàn Thị quê ở Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc (sinh ngày 15 tháng Chạp năm Bính Thân) tương truyền ông có giọng như sấm vang nên gọi là Cao Lôi. Cha mẹ mất sớm, ông ở với cậu ruột là Hàn Công Chiêu học hành và luyện tập võ nghệ. Sau khi cậu bị Tô Định giết, ông theo phò tá Hai Bà Trưng và kết nghĩa anh em với Bạch Đẳng. Hai ông về Vĩnh Phúc Trang (làng Vĩnh Lại ngày nay) xưa mộ quân và lập đồn cùng Hai Bà Trưng chống giặc thắng lợi. Hai ông ở lại đất xưa, khuyên dân làm ăn lương thiện. Ít lâu sau, Hán Vũ Đế sai Mã Viện mang quân sang xâm lược nước ta một lần nữa. Mùa xuân năm Quý Mão (43) Hai Bà Trưng và các tướng sỹ do thế yếu phải rút chạy. Hai ông và một số quân tướng đã gieo mình xuống dòng Hát giang tuẫn tiết. Nhân dân thương tiếc, lập đền thờ hai ông trên đất đồn binh xưa. Vua Đinh đã phong “Đương cảnh Thành hoàng Bạch Đẳng tôn thần” và “Lôi công Đại vương tôn thần”. Đền Vĩnh Lại ngoài việc thờ hai vị Bạch Đẳng - Cao Lôi còn có ban thờ các vị tổ lập làng và tiên hiền có công lao với quê hương. Như thờ ngũ gia tiên tổ (Tổ tiên năm dòng họ Đoàn, Phạm, Vũ, Nguyễn, Trần) và trong số các tiên hiền có công danh sự nghiệp hiển vinh nhất là Đệ tam giáp Đồng tiến sỹ xuất thân Phạm Đình Kính. Cụ đã được triều đình ban thưởng phong chức Đô ngự sử, tước lại quận công, thượng thư bộ hình. Sau Cụ được thăng chức thượng thư bộ binh nhập thị, được bàn việc nước với vua chúa. Cụ đã đầu tư tâm sức, tài lực, tổ chức cho nhân dân khơi dòng, mở rộng, nắn thẳng ngòi Cửu Khúc thành con sông Vĩnh Giang thơ mộng phục vụ tưới tiêu và thuận tiện cho viêc chuyển gỗ, kéo nứa phát triển nghề đan cót. Cụ còn cho mở bến Thượng vạn, Hạ vạn, bắc cầu, mở chợ Si, lập Phường cót…nhằm chấn hưng làng xóm và nâng cao đời sống nhân dân. Lễ hội làng là một trong những hoạt động tín ngưỡng của Nhân dân trong làng từ hàng trăm năm trước, đã đi vào tiềm thức mỗi người con làng Vĩnh Lại.
Bên cạnh các nghi thức Tế Thánh, Lễ cầu quốc thái dân an còn có các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian; thi nghề đan cót truyền thống, cùng các tiết mục văn nghệ và thi tìm hiểu về lịch sử.
Lễ hội là nét đẹp văn hóa truyền thống của Nhân dân, qua đó giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu quê hương đất nước, tôn vinh các bậc tiền nhân có công đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển của quê hương, đất nước. Thông qua Lễ hội đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân được nâng cao, phát huy truyền thống, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp./.
Một số hình ảnh diễn ra tại Lễ hội